Tình hình chăn nuôi tháng 11/2017

Thứ bảy, 02/12/2017, 15:41 GMT+7
Tình hình chăn nuôi tháng 11/2017

Tình hình chăn nuôi tháng 11/2017

Theo Bộ NN&PTNT, đàn trâu, bò cả nước trong tháng 11/2017 nhìn chung không có biến động lớn. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017 của Tổng cục Thống kê, đàn trâu cả nước có 2,49 triệu con, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn bò có 5,6 triệu con, tăng 2,6%. Tình hình chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ trong tháng chưa có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán sản phẩm vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Ước tính đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu, bò cả nước trong tháng nhìn chung không có biến động lớn. Trong tháng các ổ dịch lở mồm long móng xảy ra trong phạm vi nhỏ lẻ ở một số tỉnh nhưng vẫn cần những biện pháp phòng dịch và kiểm soát vận chuyển nghiêm túc để tránh nguy cơ mầm bệnh phát sinh tại các vùng khác. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017 của Tổng cục Thống kê, đàn trâu cả nước có 2,49 triệu con, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn bò có 5,6 triệu con, tăng 2,6%.

Chăn nuôi lợn: Thị trường tiêu thụ trong tháng chưa có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán sản phẩm vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Nhiều hộ chăn nuôi hiện nay phải kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn thô hộ tự sản xuất, nhằm tiết kiệm một phần chi phí trong chăn nuôi. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017, đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm cả nước nhìn chung tiếp tục phát triển ổn định. Tuy vậy trong tháng, thời tiết mưa nắng xen kẽ dễ làm phát sinh các loại dịch bệnh ở gia cầm nên công tác phòng chống dịch bệnh cho các loại vật nuôi vẫn cần quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017, đàn gia cầm cả nước ước có 385,2 triệu con, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Chế biến thịt gia súc, gia cầm: C ác cơ sở giết mổ, chế biến thịt qui mô công nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 30% công suất. Các công ty đang tăng cường liên kết chuỗi trong chăn nuôi, chế biến để xuất khẩu thịt an toàn, đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu (thịt lợn, thịt gà). Việc kiểm soát chất lượng thịt tại cơ sở giết mổ đang gặp khó khăn để cung cấp cho thị trường các thành phố lớn (tiêm thuốc an thần cho heo; khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm).

 KH. Chan nuoi viet nam 11

Dịch bệnh: Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm 26/11/2017, tình hình dịch bệnh trong cả nước như sau:

 Dịch Cúm gia cầm (CGC)

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch Cúm gia cầm.

Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM)

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

Hiện nay, cả nước có 04 ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày tại xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân) thuộc huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh và 01 ổ dịch tại xã Quảng Điền huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk.

Dịch Tai xanh trên lợn

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.

Nhận định tình hình dịch

Cúm gia cầm: Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Lở mồm long móng: Các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại các đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc do gia súc mắc bệnh được vận chuyển từ vùng có dịch. Do đó, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Tai xanh trên lợn: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016) và thông báo lưu hành vi rút LMLM và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (công văn số 2168 /TY-DT ngày 05/10/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

 

 THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG NƯỚC

Giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tháng qua biến động tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đ/kg phổ biến trong khoảng 27.000 – 30.000 đ/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này đã giảm từ 2.000 – 4.000 đ/kg so với hồi tháng 9/2017. Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh đang có giá lợn hơi cao nhất là Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang với giá từ 28.000 – 30.000 đ/kg. Tại các tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam…, giá lợn hơi hiện khoảng 27.000 đ/kg. Tại thị trường Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi lợn, gà lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, giá lợn loại 1 hiện đang duy trì từ 29.000 – 30.000 đ/kg, tuy nhiên lợn thường thì chỉ đạt mức 26.000 – 27.000 đ/kg, giảm khoảng 2.000 – 4.000 đ/kg so với hồi tháng 9/2017.

Giá thu mua gà thịt lông trắng khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL biến động tăng do nhu cầu tiêu dùng khởi sắc: giá tăng 6.000 – 7.000 đ/kg lên 29.000 – 30.000 đ/kg so với tháng 10/2017. Tuy nhiên, giá gà thịt lông màu tại 2 khu vực lại giảm 5.000 – 6.000 đ/kg xuống mức 33.000 – 35.000 đ/kg so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ đang chậm lại. Giá trứng gà tăng 300 – 350 đ/quả lên 1.750 – 1.800 đ/quả; giá trứng vịt tăng 200 đ/quả lên 2.100 – 2.200 đ/quả.

 

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU

Theo Bộ NN&PTNT ước tình hình nhập khẩu TACN và nguyên liệu trong tháng 11/2017 như sau:

Thức ăn gia súc và nguyên liệu:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 11/2017 ước đạt 175 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2017 lên 2,9 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm 2017 là Achentina (chiếm 48,3% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (7,2%), Trung Quốc (4,9%) và Ấn Độ (chiếm 4,2% thị phần). Trong đó, thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Canada (tăng hơn 6 lần) tiếp đến là các thị trường Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ tăng lần lượt là 73,6% và 15,3%. Ngược lại, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ giảm mạnh, mức giảm lần lượt là 41,9% và 35%.

Đậu tương:

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 11/2017 đạt 166 nghìn tấn với giá trị 72 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,54 triệu tấn và 662 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng và tăng 16,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Ngô:

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 11/2017 đạt 893 nghìn tấn với giá trị đạt 169 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 11 tháng đầu năm 2017 đạt 7,35 triệu tấn và 1,43 tỷ USD, giảm 1,5% về khối lượng và giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt là 52,9% và 25,8% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong 10 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô tăng mạnh nhật tại thị trường Thái Lan gấp 13,4 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ gấp 2,96 lần. Ngược lại, thị trường Brazil lại có khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này đều giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy không phải là thị trường nhập khẩu chủ lực nhưng 10 tháng đầu năm nay Việt Nam tăng nhập khẩu ngô từ Thái Lan, mặc dù giá nhập bình quân là 333 USD/tấn, giảm 77% so với cùng kỳ 2016.

Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam cho thấy, tháng 10/2017 cả nước đã nhập khẩu 848,7 nghìn tấn ngô, trị giá 158,7 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và 7,6% về trị giá – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp – nâng lượng ngô nhập khẩu 10 tháng 2017 lên 6,4 triệu tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, giảm 4,47% về lượng và giảm 5,33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Theo tính toán số liệu từ TCHQ Việt Nam, thì trong 10 tháng năm 2017 Việt Nam gia tăng nhập khẩu ngô từ thị trường Thái Lan, tuy Thái Lan chỉ đứng thứ ba về lượng ngô nhập khẩu, nhưng so với cùng kỳ 2016 tốc độ nhập khẩu ngô của Việt Nam từ thị trường tăng gấp hơn 13,4 lần về lượng và gấp 2,9 lần về trị giá, tương ứng với 153 nghìn tấn, trị giá 50,9 triệu USD.

Thị trường có tốc độ tăng mạnh đứng thứ hai sau Thái Lan là Lào, tăng gấp hơn 2,7 lần về lượng và 2,5 lần về trị giá, tuy lượng chỉ đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 418.4 nghìn USD.

Ngoài ra, nhập khẩu ngô từ thị trường Ấn Độ cũng có lượng ngô nhập khẩu tăng khá, tăng gấp hơn 2,2 lần tuy nhiên kim ngạch lại suy giảm 3% so với cùng kỳ.

Việt Nam nhập ngô chủ yếu từ thị trường Achentina chiếm 54% tổng lượng nhóm hàng nhập khẩu, đạt 3,4 triệu tấn, trị giá 667,9 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 9,02% về trị giá so với 10 tháng năm 2016.

Thị trường nhập lớn đứng thứ hai là Brazil nhưng so với cùng kỳ lại giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 42,8% và 44,5% tương ứng với 1,7 triệu tấn, trị giá 50,9 triệu USD.

Nhìn chung, 10 tháng 2017 lượng ngô nhập từ các thị trường đều tăng trưởng, chiếm 67% và ngược lại thị trường suy giảm chiếm 33%, trong đó nhập từ Brazil là giảm mạnh nhất.

Thị trường nhập khẩu ngô 10 tháng 2017

Thị trường 10 tháng 2017 So sánh cùng kỳnăm 2016 (%)
Tấn USD Lượng Trị giá
Tổng 6.454.193 1.263.674.863 -4,47 -5,33
Achentina 3.495.836 667.922.965 9,50 9,02
Brazil 1.726.305 326.264.685 -42,80 -44,50
Thái Lan 153.018 50.962.082 1.244,62 196,67
Campuchia 8.500 2.158.300 -28,28 -26,75
Lào 2.130 418.400 177,34 154,87
Ấn Độ 1.071 1.308.491 122,20 -3,00

(tính toán số liệu thống kê từ TCHQ)

Lúa mì:

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 11/2017 đạt 239 nghìn tấn với giá trị đạt 58 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này 10 tháng đầu năm 2017 đạt 4,28 triệu tấn và 915 triệu USD, giảm 4,2% về khối lượng và giảm 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 10 tháng đầu năm 2017 là Úc, Canada và Nga với thị phần lần lượt là 46%, 22,1% và 6,7%. Mười tháng đầu năm 2017 ba thị trường nhập khẩu lúa mì này đều có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Trong đó, thị trường Canada có khối lượng lúa mì tăng hơn 16 lần và giá trị tăng hơn 13 lần, thị trường Nga có khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 4,9 lần và giá trị tăng 5,2 lần và thị trường Úc có khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 24,9% và giá trị tăng 21,7%. Thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Hoa Kỳ (giảm 93,3%).

 

THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Sắn và các sản phẩm từ sắn:

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2017 ước đạt 374 nghìn tấn với giá trị đạt 107 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,53 triệu tấn và 912 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng và tăng 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 10 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87,7% thị phần, tăng 6,1% về khối lượng và tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Các thị trường có giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm mạnh là: Hàn Quốc (-21,7%) và Đài Loan (-11,2%).

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Viết đánh giá